Đòi hỏi của Cổng thông tin quản lý dược về thông tin khách hàng, thông tin kinh doanh của chủ doanh nghiệp đang có nguy cơ làm lộ bí mật thông tin của họ cũng như khách hàng.

>> Xem thêm:

Chuyện dùng thuốc kháng sinh bừa bãi, không theo đơn bác sĩ đang xảy ra phổ biến ở các quốc gia chậm phát triển, dân trí thấp, quản lý y tế kém…, trong đó có nước ta, làm tăng nguy cơ kháng thuốc trong môi trường và có thể để lại nhiều hậu quả khôn lường. Do vậy mà năm 2017, Bộ Y tế đã lập đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020” (gọi tắt là đề án kiểm soát kháng sinh) để xử lý tình trạng này.Kiểm soát lạm dụng kháng sinh

Mục tiêu cụ thể của đề án này là: (1) rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn; (2) đến năm 2020, chấn chỉnh kê đơn kháng sinh (đạt 100% kê đơn thuốc đủ nội dung theo quy định, tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng kháng sinh); (3) chấn chỉnh bán thuốc kháng sinh (đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc).

quan-ly-nha-thuoc-qua-chat-che-tech-moss

Các nhà thuốc được thông báo phải tham gia sử dụng phần mềm kết nối với Hệ thống quản lý nhà thuốc và Cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Ảnh: TBKTSG

Đề án đưa ra ba bước thực thi gồm: bước 1, khảo sát tình trạng kê đơn và bán thuốc lẻ; bước 2, thiết lập các giải pháp can thiệp để ngăn chặn dùng kháng sinh bừa bãi, bao gồm kiểm soát kê đơn, kiểm soát bán thuốc và nâng cao nhận thức của dân chúng trong việc dùng thuốc kháng sinh; bước 3, xử phạt nghiêm ngặt khi không tuân thủ quy định.

Trong hi toàn cục của đề án kiểm soát kháng sinh chưa định hình thì các nhà thuốc được thông báo phải tham gia sử dụng phần mềm kết nối với Hệ thống quản lý nhà thuốc và Cơ sở dữ liệu dược quốc gia

Trong đề án có một đoạn rất nhỏ ghi nội dung cho phép các sở y tế ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khảo sát và Bộ Y tế sẽ cho ra đời mạng quản lý bán thuốc toàn quốc. Văn bản không nói rõ mạng quản lý bán thuốc này có vai trò gì cho việc đạt được mục tiêu của đề án.

Cho đến nay, sau khi kết thúc giai đoạn 1 của đề án, đầu năm 2019, tiến trình thực hiện đề án quản lý kháng sinh (gồm kết quả khảo sát, kết quả tập huấn kê đơn, kết quả tập huấn nhân viên bán thuốc) vẫn còn ậm ạch. Trong khi toàn cục của đề án kiểm soát kháng sinh chưa định hình thì các nhà thuốc được thông báo phải tham gia sử dụng phần mềm kết nối với Hệ thống quản lý nhà thuốc và Cơ sở dữ liệu dược quốc gia (gọi tắt là Cổng thông tin quản lý dược).

Ngày 24-8-2018, Bộ Y tế và Công ty Viettel trình làng một cổng thông tin để tiếp nhận hoạt động kinh doanh của các nhà thuốc tư nhân. Trên các trang báo mạng, Hệ thống quản lý nhà thuốc và Cơ sở dữ liệu dược quốc gia này được giới thiệu “nhằm khắc phục tình trạng thuốc kém chất lượng và kiểm soát giá thuốc trên thị trường. Hệ thống hiện tại đã cập nhật thông tin của gần 4.200 nhà thuốc trên tổng số 62.000 nhà thuốc trên toàn quốc, giúp người dân có thể dễ dàng tra cứu hướng dẫn sử dụng, giá cả, và truy xuất được nguồn gốc thuốc. Người dân cũng sẽ nhận được cảnh báo từ cơ quan quản lý khi nghi ngờ thuốc giả, kém chất lượng”.

Như vậy, hệ thống này không có cùng mục tiêu như đề án đưa ra là kiểm soát kê đơn và bán thuốc kháng sinh mà lại là “khắc phục tình trạng thuốc kém chất lượng và kiểm soát giá thuốc trên thị trường” và các tính năng khác. Trong một bài trả lời phỏng vấn khác thì ông Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết hệ thống quản lý này có khả năng dùng để kiểm soát kê đơn và bán thuốc kháng sinh, tuy nhiên không nói rõ là bằng cách nào.

Kiểm soát hay lục soát?

Từ ý tưởng ban đầu là kiểm soát việc dùng kháng sinh, Hệ thống quản lý nhà thuốc và Cơ sở dữ liệu dược quốc gia chuyển mục đích sang việc kiểm soát số liệu kinh doanh của các doanh nghiệp. Văn bản 540/QĐ-QLD 2018 về chuẩn yêu cầu dữ liệu đầu ra phần mềm kết nối các cơ sở bán lẻ thuốc phiên bản 1.0 yêu cầu các nhà thuốc phải cung cấp dữ liệu hàng hóa là thuốc và cả số liệu kinh doanh gồm số lượng mua, số lượng bán và số lượng tồn tất cả các thuốc vào Cổng thông tin quản lý dược.

Văn bản kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc nhằm kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn (ban hành kèm theo quyết định số 5071/QĐ-BYT ngày 17-8-2018) đưa ra nhiều kế hoạch mang tính cưỡng bức thi hành như sửa điều kiện được chứng nhận GPP, buộc nhà thuốc phải kết nối hệ thống quản lý nhà thuốc và xử phạt các cơ sở kinh doanh thuốc bán lẻ nếu không tham gia kết nối với Cổng thông tin quản lý dược.

Trong khi các văn bản về tiêu chuẩn GPP đã được sửa đổi, bắt buộc các nhà thuốc trên địa bàn tham gia kết nối, khai báo thông tin vào Cổng thông tin quản lý dược thì không thấy văn bản nào nói rõ vai trò, cách khai thác dữ liệu để phục vụ cho quản lý kháng sinh hoặc quyền lợi của doanh nghiệp nhà thuốc khi tham gia cổng.

Mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp và Luật Cạnh tranh

Kinh doanh thuốc cũng như kinh doanh các mặt hàng khác, được luật pháp bảo đảm bí mật thông tin. Đòi hỏi của Cổng thông tin quản lý dược về thông tin khách hàng, hàng hóa và thông tin kinh doanh của chủ doanh nghiệp làm tiết lộ thông tin kinh doanh và bí mật khách hàng của doanh nghiệp. Việc yêu cầu các nhà thuốc khai báo thường xuyên và liên tục số liệu hoạt động kinh doanh sẽ gây phiền phức cho các doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm.

Thông tin về thị trường dược có thể trở thành hàng hóa bán cho các công ty dược, công ty bảo hiểm. Thông tin về bệnh nhân có thể bị chuyển cho bên thứ ba… Trong Luật Doanh nghiệp, điều 7, mục số 9 ghi doanh nghiệp có quyền “từ chối yêu cầu cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật”, trong đó, thông tin kinh doanh của nhà thuốc là một nguồn lực mà doanh nghiệp có quyền bảo vệ.

Về mặt quản lý, các cơ quan cấp trên chỉ được tiếp nhận số liệu tổng thể chứ không được tiếp nhận chi tiết đến từng viên thuốc, từng khách hàng. Đây là thông tin riêng tư có tính bí mật của khách hàng, doanh nghiệp mà không ai được quyền xâm phạm trừ khi có yêu cầu của cơ quan pháp luật trong các vấn đề vi phạm pháp luật.

Doanh nghiệp chỉ tham gia đối phó

Hoạt động doanh nghiệp dựa trên cán cân lợi ích thu được và cái giá phải trả (cost – benefit). Đối với yêu cầu kết nối Cổng thông tin quản lý dược, doanh nghiệp sẽ phải trả nhiều loại phí, trong khi lợi ích mang về cho doanh nghiệp là gì thì không thấy rõ. Mặt khác, khi tham gia kết nối hệ thống, doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Các thông tin hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị thu thập thường xuyên và liên tục là điều đáng băn khoăn nhất. Có ai bảo đảm cho các doanh nghiệp rằng thông tin của họ không bị tiết lộ hay bị lạm dụng?

Đối với cơ quan quản lý, ứng dụng CNTT để quản lý hoạt động kinh doanh dược phẩm là hoạt động tiến bộ, tuy nhiên việc ứng dụng này phải chỉ rõ giá trị sử dụng về mặt quản lý xã hội, bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp, không vi phạm bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, không đe dọa hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Về mặt quản lý thông tin, cơ quan nhà nước được yêu cầu cung cấp số liệu tổng thể, có phân loại, ví dụ gửi báo cáo tổng số thuốc kháng sinh, số thuốc gây nghiện, số thuốc ngừa thai… được bán ra trong tháng, trong quí. Cơ quan nhà nước không được ép buộc các doanh nghiệp khai báo hoạt động kinh doanh chi tiết của mình hoặc tiết lộ bí mật khách hàng. Việc một doanh nghiệp viễn thông lợi dụng dữ liệu khách hàng để khai thác cho các mục đích khác với quản lý thuốc là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Chỉ trên cơ sở nhận thức lợi ích của CNTT khi tham gia kết nối mạng thì doanh nghiệp sẽ tự nguyện tham gia tương tự như các trang thương mại điện tử. Bằng biện pháp hành chính, cưỡng bức tham gia hệ thống mà không đạt được sự tâm phục khẩu phục thì doanh nghiệp sẽ có nhiều phương thức đối phó.

Việc thu thập thông tin doanh nghiệp cần tiến hành một cách minh bạch, từng bước, rõ ràng, được doanh nghiệp tự nguyện từ sự thông hiểu giá trị lợi ích của xã hội. Nếu dùng biện pháp khiên cưỡng như trên đây sẽ gây hoang mang cho doanh nghiệp mà nhà quản lý thì không thu được kết quả nào có giá trị.

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn

Tin tức liên quan